Theo đó, chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu chung nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Bắt nhịp với xu thế chung đó, Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh, đào tạo.
Trước hết, nhà trường đã tổ chức đào tạo bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua. Thông qua đó, các giáo viên nâng cao kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ năng về thiết kế và xây dựng bài giảng điện tử, kỹ năng thu hút và tương tác với học sinh trên không gian mạng để đạt được hiệu quả tốt nhất có thể trong các giờ lên lớp.
Bên cạnh đó, các bài giảng được lưu lại, được chia sẻ, tạo điều kiện cho người học có thể xem lại, nghe lại kiến thức khi cần…từ đó, hình thành kho dữ liệu các bài giảng để học sinh và giáo viên có thể tham khảo bất cứ lúc nào thông qua mật khẩu chung được cung cấp.
Với cách thức này, lãnh đạo nhà trường có thể đánh giá được chất lượng của đội ngũ giáo viên, khả năng tiếp thu của học sinh thông qua các buổi dự giờ trên không gian mạng, từ đó có định hướng tăng cường, bồi dưỡng cho các buổi học, khóa học tiếp theo.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo nhà trường, sự chủ động vào cuộc, đồng lòng của giáo viên và sự tích cực của học sinh, các lớp học đã được tổ chức đào tạo đảm bảo kế hoạch, tiến độ và chất lượng đề ra.
Chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo nội bộ luôn được nhà trường quan tâm. Trước đây, các chương trình, giáo trình mất rất nhiều thời gian và tốn kém do các bản dự thảo sau khi viết đều phải in, gửi xin ý kiến các bộ phận liên quan, nay các bước đó đều được thực hiện trên không gian mạng, bộ phận soạn thảo sẽ được nhận về bản mềm đã được góp ý kiến rất nhanh, thuận lợi, tiết kiệm và vẫn đảm bảo hoàn thành nội dung theo quy định một cách tốt nhất. Vì vậy, việc viết chương trình, giáo trình đào tạo đã được đẩy nhanh tiến độ đáp ứng yêu cầu giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở trong giai đoạn hiện nay.
Chuyển đổi số trong vấn đề quản lý quá trình đào tạo cũng được nhà trường hết sức quan tâm, trước đây việc vào điểm, đánh giá kết quả thi, kiểm tra của học sinh đều làm thủ công, quá trình tra cứu thông tin chậm,… nay ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý đào tạo nên việc cập nhật các thông tin của học sinh rất thuận lợi, nhanh chóng và chính xác, từ đó mỗi học sinh đều có dữ liệu được lưu trên kho hệ thống nhà trường, việc tra cứu kết quả, thống kê, chia sẽ dữ liệu nội bộ, báo cáo định kỳ và đột xuất của nhà trường dễ dàng, thông suốt.
Công tác tuyển sinh của nhà trường cũng hiệu quả hơn nhờ đa dạng cách thức, phương pháp tuyển sinh bằng việc thường xuyên cập nhật thông tin lên trang thông tin điện tử của trường, ứng dụng các trang mạng xã hội Zalo, Facebook… quảng bá hình ảnh, nắm bắt nhu cầu, thông tin cá nhân của người học để từ đó có tư vấn phù hợp trong việc chọn ngành nghề, nâng cao chất lượng và số lượng người học.
Có thể nói, trong thời gian qua, nhà trường đã rất nỗ lực trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số của thành phố, của ngành, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn ở mức khiêm tốn. Trong thời gian tới, lãnh đạo nhà trường, cùng với đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục cố gắng, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch chuyển đổi số của thành phố đến năm 2021, định hướng đến năm 2030. Để làm được điều đó, nhà trường đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:
1. Phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt về tư tưởng và quyết tâm hợp lực để từng bước thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp của trường tới toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động.
2. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy - học, luôn sẵn sàng chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến khi phát sinh những tình huống phức tạp như dịch bệnh, thiên tai…
3. Chú trọng triển khai hoàn thiện hệ thống cơ cở dữ liệu kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các phòng, khoa nhà trường và của nhà trường với các cấp, ngành liên quan; thực hiện số hóa triệt để, sử dụng văn bản điện tử, sổ sách, học bạ, sổ điểm điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng.
4. Đề xuất đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, chú trọng các phương pháp dạy và học tích cực trên môi trường mạng giữa giáo viên và học sinh.
5.Tập trung phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Xác định kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao đối với người lao động trên môi trường số, lồng ghép vào chương trình đạo tạo, môn học, mô đun liên quan tới kỹ năng số để sau khi ra trường người học có thể tiếp cận ngay với các công việc cần kỹ năng số.
6. Cập nhập, bổ sung, chỉnh sửa các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của, quận, ngành, thành phố….
Q. Hiệu trưởng - Huỳnh Minh Tiếng